Dùng thuốc, phẫu thuật xoang… là các phương pháp điều trị polyp mũi chính. Các phương pháp điều trị polyp mũi chủ yếu là việc sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid trong thời gian dài, một đợt uống steroid trong thời gian ngắn, rửa xoang, có thể có kháng sinh hoặc không và phẫu thuật để loại bỏ polyp. Polyp mũi là khối u lành tính trong hốc mũi, ảnh hưởng đến khoảng 20% người bị viêm xoang mạn tính. Polyp có thể tăng tiết dịch và tắc nghẽn, gây đau và giảm mùi. Khi polyp còn nhỏ, người bệnh có thể không biết rằng chúng hiện diện trong mũi cho đến khi gặp các triệu chứng về mũi xoang ảnh hưởng đến chất lượng sống. Một số triệu chứng của polyp mũi thường gặp như nghẹt mũi, nhiễm trùng tái phát, giảm khứu giác và vị giác, gây tắc nghẽn xoang, đau hàm trên, chảy máu mũi, ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ… Vì polyp mũi cản trở luồng không khí bình thường và dẫn lưu dịch xoang, chúng cũng có thể gây ra các vấn đề thứ phát. Một số bệnh nhân có thể bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, lên cơn hen suyễn và nhiễm trùng xoang do hậu quả của polyp mũi. Bất chấp tên gọi của chúng, những khối polyp này không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ mũi. Polyp có thể hình thành ở bất kỳ phần nào của xoang. Nhưng polyp thường xuất hiện ở nơi xoang đổ vào mũi gần mắt, màng não và xương gò má. Viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, xơ nang đều dẫn đến sự hình thành polyp mũi. Polyp chảy máu xảy ra trong bệnh Rhinosporidiosis. Polyp một bên thường xuất hiện cùng với hoặc đại diện cho các khối u lành tính hoặc ác tính của các xoang cạnh mũi hoặc của mũi. Polyp mũi có liên quan chặt chẽ với dị ứng aspirin, viêm xoang hoặc hen suyễn. Điều trị polyp mũi bắt đầu với các loại thuốc. Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu không đáp ứng với điều trị ban đầu. 1.1 Thuốc xịt corticosteroid tại chỗ Được dùng xịt mũi ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 nhát mỗi bên mũi. Đây là cách trị polyp mũi có thể giúp thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp. Polyp mũi sẽ co lại khi sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mũi có chứa steroid. Steroid mạnh hơn ở dạng giọt có thể được sử dụng làm teo polyp mũi. Tuy nhiên, người bệnh nên sử dụng thuốc này một cách cẩn thận và chỉ nên dùng giới hạn trong các đợt ngắn hạn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng phụ thuộc thuốc. Polyp phản ứng và co lại bằng cách sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt ở 80% số người. Thuốc xịt mũi steroid mới có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng trong nhiều năm một cách hiệu quả vì chúng rất ít được hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, nhiều loại steroid phải mất đến 6 tuần điều trị mới thấy được tác dụng. Steroid ở dạng thuốc viên có thể giúp giảm triệu chứng tốt nhưng tác dụng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thuốc này ít được sử dụng do lo ngại về tác dụng phụ.(1) 1.2 Corticosteroid đường uống Liệu trình corticosteroid đường uống giảm dần trong 1 tuần. *Lưu ý: Chống chỉ định dùng corticosteroid Corticosteroid dùng trong mũi nói chung là an toàn trong cách điều trị polyp mũi và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Các phản ứng bất lợi đôi khi được báo cáo bao gồm chảy máu mũi và loét niêm mạc mũi. Mặc dù hiệu quả hơn nhưng steroid đường uống có nhiều tác dụng phụ toàn thân khi sử dụng kéo dài. Vì vậy, thuốc này cần phải được sử dụng thận trọng cho các bệnh nhân sau: Bệnh nhân bị đái tháo đường và tăng huyết áp, vì chúng có thể gây khó kiểm soát đường huyết và các cơn tăng huyết áp. Bệnh nhân loét dạ dày, loãng xương và tâm thần là những bệnh nhân chống chỉ định tương đối cho việc sử dụng thuốc này. Cũng nên tránh sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân mắc lao phổi, vì có thể khiến bệnh tái phát. 1.3 Thuốc sinh học Đối với những người bị polyp mũi khó chịu và viêm xoang mạn tính không đáp ứng với corticosteroid, có một lựa chọn khác để giảm đau. Đó là điều trị bằng thuốc Dupilumab. Dupilumab (Dupixent) được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị polyp mũi và viêm xoang kháng thuốc. Dupilumab là một loại thuốc tiêm ngăn chặn hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá và gây viêm. Dupilumab đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân có polyp tái phát sau phẫu thuật, những người không thể phẫu thuật vì những lý do khác hoặc những người mắc bệnh hen suyễn nặng. Tác dụng phụ tiềm ẩn của loại thuốc này bao gồm các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc các vấn đề về mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc. 2.1 Phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi Phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi cần thiết trong nhiều trường hợp. Các polyp gây tắc nghẽn đường thở hoặc gây viêm xoang được loại bỏ, cũng như các polyp một bên có thể che khuất các khối u lành tính hoặc ác tính.(2) Polyp có xu hướng tái phát trừ khi tình trạng dị ứng hoặc nhiễm trùng cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, sau khi cắt bỏ polyp mũi, điều trị bằng beclomethasone hoặc flunisolide tại chỗ có xu hướng làm chậm tái phát. Phẫu thuật cắt polyp có thể được thực hiện qua nội soi mũi, dưới tác dụng của thuốc gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Việc sử dụng loại thuốc gây mê có thể phụ thuộc vào số lượng và kích thước của polyp, vị trí của chúng và mức độ phù hợp của bệnh nhân đối với ca phẫu thuật. 2.2 Phẫu thuật nội soi Phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể được thực hiện khi các polyp rất lớn và nhiều, hoặc khi polyp gây tắc nghẽn các xoang một cách nghiêm trọng. Máy nội soi và dụng cụ nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát xoang bằng camera và thực hiện thao tác ở nơi khó tiếp cận bằng các dụng cụ phẫu thuật thông thường. 2.3 Phẫu thuật nội soi mở các xoang Trong những trường hợp polyp gây tắc nghẽn các xoang cạnh mũi, có thể chỉ định phẫu thuật mở xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Các phẫu thuật này được thực hiện bằng phương pháp nội soi qua hốc mũi, không có vết sẹo ngoài da. Người bệnh cần chú ý những điều trước và sau phẫu thuật polyp mũi. 3.1 Trước phẫu thuật Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh những điều sau: Ngừng một số loại thuốc; Nhịn ăn và uống trong vài giờ trước khi phẫu thuật. 3.2 Sau phẫu thuật Người bệnh có thể tiếp tục sử dụng thuốc xịt mũi steroid theo kê đơn của bác sĩ để làm giảm một số chứng viêm và đau liên quan đến quá trình phục hồi; Nên nghỉ ngơi một tuần hoặc lâu hơn để vết thương hồi phục hoàn toàn; Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị chảy máu trong 3-5 ngày đầu và thường cảm thấy đau nhẹ trong khoảng 1 tuần. Điều này hoàn toàn bình thường; Không nên tập thể dục gắng sức trong ít nhất một tuần sau phẫu thuật. Thay vào đó, người bệnh chỉ nên đi bộ và thực hiện các hoạt động thường ngày. Sau 3-4 tuần người bệnh có thể tập thể dục như bình thường; Không nên bơi, lặn trong một tháng đầu sau phẫu thuật; Sau phẫu thuật polyp mũi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát với tỷ lệ đáng kể. Vì điều này, người bệnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn để đảm bảo bệnh không tái phát. Đối với tình trạng polyp nhỏ chưa gây ảnh hưởng nhiều đến mũi xoang, chưa có biến chứng, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kê đơn của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Polyp mũi có thể chữa được bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu không đáp ứng với thuốc. Sau phẫu thuật polyp mũi, bệnh vẫn có thể tái phát. Để ngăn ngừa polyp tái phát, người bệnh nên chú ý như sau:(3) Quản lý dị ứng theo mùa; Tránh các chất kích thích mũi như thuốc lá, chất gây dị ứng, bụi và mảnh vụn mịn như mùn cưa, bụi vải; Làm ẩm không khí trong nhà; Sử dụng nước rửa mũi để làm sạch chất nhầy và các chất gây dị ứng; Thăm khám, kiểm tra mũi xoang định kỳ hàng năm với bác sĩ Tai Mũi Họng. Polyp mũi sẽ không tự biến mất nếu không điều trị. Polyp có thể phát triển với kích thước lớn dần qua thời gian và gây ra các biến chứng từ ảnh hưởng đến cuộc sống, cho tới việc đe dọa sức khỏe. Vì vậy, polyp mũi nên được điều trị từ sớm bằng các loại thuốc để tránh phải phẫu thuật. Trường hợp không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, người bệnh nên phẫu thuật để lại bỏ polyp. Phẫu thuật polyp mũi, mặc dù phần lớn an toàn, nhưng vẫn có các rủi ro nhất định. Các rủi ro có thể do yếu tố chủ quan như bác sĩ thiếu kinh nghiệm, quy trình phẫu thuật chưa tối ưu, thiết bị phẫu thuật lạc hậu… hoặc các yếu tố khách quan như cơ địa bệnh nhân nhạy cảm… Các rủi ro trong phẫu thuật polyp mũi có thể bao gồm: Chảy máu mũi trong và sau phẫu thuật; Tổn thương cấu trúc hốc mắt hoặc nội sọ (hiếm gặp). Cùng với tư vấn và kiểm tra thể chất của người bệnh, bác sĩ tai mũi họng có thể kiểm tra sâu hơn các hốc mũi và xoang. Những phương pháp này sẽ cho phép bác sĩ khảo sát các khối u không thể nhìn thấy qua hốc mũi. Một số khu vực phổ biến nhất để polyp mũi phát triển bao gồm các xoang hàm sàng, cần kiểm tra đánh giá thêm. Cùng với việc nội soi để khảo sát polyp, bác sĩ cũng có thể chỉ định các phương pháp đánh giá khác nhau để xác định nguyên nhân như chụp CT mũi xoang, xét nghiệm dị ứng… Phẫu thuật mũi xoang là một thử thách đối với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Các kỹ thuật cũ như cắt bỏ polyp đơn thuần và nạo xoang qua rãnh lợi môi, sau phẫu thuật chỉ mang lại kết quả ngắn hạn và thường đòi hỏi nhiều tuần để hồi phục. Ngoài ra, phương pháp nong xoang bằng bóng cũng không giải quyết triệt để tình trạng viêm tiềm ẩn. Nhưng ngày nay, có những phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu hiện đại, hiệu quả, có thể giúp giảm đau. Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh đã và đang thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật xoang nâng cao bằng các quy trình chuyên biệt mới để loại bỏ polyp và mở rộng các xoang. Quy trình này nhằm giảm thiểu xâm lấn bao gồm chảy máu, cảm giác đau, biến chứng trong và sau phẫu thuật cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát. Ngoài ra, với việc điều trị bằng thuốc, Trung tâm Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh sử dụng phác đồ cá thể hóa để mang đến hiệu quả tối ưu, bởi mỗi cá nhân có một cơ địa và sự miễn dịch khác nhau. HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858 TP.HCM: 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789 Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh Website: https://tamanhhospital.vn Điều trị polyp mũi không khó nếu chưa có biến chứng phức tạp, tuy nhiên cần đúng cách và triệt để nhằm mang đến hiệu quả tối ưu và giảm thiểu các rủi ro. Vì điều này, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện uy tín có đội ngũ bác sĩ Tai Mũi Họng giàu kinh nghiệm với trang thiết bị hiện đại để được hội chẩn và điều trị hiệu quả.